Phân phối, lắp đặt sàn gỗ tự nhiên, sàn gỗ công nghiệp

Hotline:0982069958 - Email: tuvansango24@gmail.com

Thanh khoản: không lo “đến hẹn lại lên”

“Thanh khoản của ngân hàng được xem như lá phổi một cơ thể sống”, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đã ví von như vậy về tầm quan trọng vấn đề cốt tử này của một ngân hàng.

 

 Thanh khoản: không lo “đến hẹn lại lên”

Không còn tình trạng cạnh tranh bằng các thủ thuật không lành mạnh về lãi suất giữa các TCTD với nhau. Nguồn: internet

Giai đoạn năm 2007 - 2011 nỗi lo thiếu hụt thanh khoản ngân hàng luôn thường trực. Có hàng loạt nguyên nhân được liệt kê ra khi ngân hàng rơi vào tình trạng tạm thời thiếu thanh khoản như: tăng trưởng tín dụng nóng trong khi nguồn vốn huy động khó khăn bởi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán rất “hot” hút một lượng tiền nhàn rỗi khá lớn; hoặc do thương hiệu, thế mạnh giữa các ngân hàng có khác biệt rõ ràng, nên trong khi một số NHTM lớn khá thảnh thơi trong huy động, thì một số khác lại liên tục phải “tăng lực hấp dẫn” bằng cách nâng lãi suất.

Và có một thực tiễn khách quan rằng, dù là ngân hàng lớn hay nhỏ, khi hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nóng thì hụt thanh khoản trở thành căn bệnh mãn tính. Sự căng thẳng về thanh khoản của các NHTM trong giai đoạn trên thể hiện rõ qua cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi và đưa lãi suất tiền gửi lên tới mức trên 20%/năm hồi cuối năm 2010.

Sau đó, bằng hàng loạt các giải pháp và áp dụng công cụ quản lý nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, năm 2011 và 2012 sự căng thẳng về thanh khoản chỉ mang tính nhất thời, cục bộ chứ không còn diễn ra trên diện rộng như thời kỳ trước đó. Hơn nữa, sau những mải mê theo đuổi tăng trưởng tín dụng cao làm mất cân đối giữa huy động và cho vay đã khiến không ít ngân hàng nhận về bài học đắt giá.

Năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định ở mức 12%. Tính đến ngày 18/9/2013 chỉ số này đã đạt 5,83% so với cuối năm 2012. Như vậy, để cán đích theo kế hoạch của NHNN thì trong mỗi tháng còn lại của năm tốc độ tăng tín dụng phải đạt ít nhất 2% so với tháng liền kề.

Việc tăng tốc tín dụng vào cuối năm, trong khi nguồn tiền gửi ngân hàng có thể lại được doanh nghiệp, người dân rút ra để kinh doanh cuối năm, nên gần đây đã có ý kiến lo ngại về thanh khoản. Song, theo một chuyên gia ngân hàng, vấn đề thanh khoản không đáng lo trong những tháng còn lại của năm.

Theo số liệu từ Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thì mặc dù lãi suất huy động (LSHĐ) VND các kỳ hạn đã giảm khoảng 2 -5%/năm nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn hút được tiền gửi khá tốt.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, LSHĐ giảm mạnh nhưng người dân vẫn yên tâm gửi tiền vào các TCTD với kỳ hạn dài hơn cho thấy gửi tiền vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác. Cụ thể con số cho thấy: đến giữa tháng 9/2013, tiền gửi VND của dân cư vẫn tăng 13,78% so với cuối năm 2012.

“Đặc biệt, không còn tình trạng cạnh tranh bằng các thủ thuật không lành mạnh về lãi suất giữa các TCTD với nhau nhằm chèo kéo khách hàng, người gửi tiền với kỳ hạn dài hơn, không rút tiền từ TCTD này gửi sang TCTD khác để hưởng chênh lệch lãi suất” – bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa củng cố cho độ vững chắc về thanh khoản là các TCTD luôn chú ý phân tích các yếu tố kinh tế vĩ mô hàng tháng, lập kế hoạch hoạt động kinh doanh nên khá chủ động trong điều hòa, cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, hiện các TCTD yếu kém trong diện tái cơ cấu đã được NHNN kiểm soát chặt nên không có hiện tượng không cân đối nguồn mà cho vay “vung tay quá trán”.

Ngoài ra, các TCTD cho vay ra cũng đang rất thận trọng; phía các khách hàng là doanh nghiệp cũng đang dò thị trường với món vay nhỏ chứ không phải món vay lớn như trước. Cuối cùng, về công tác điều hành, NHNN đang sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất bằng cách cho phép TCTD thỏa thuận LSHĐ với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, bơm hút tiền khá linh hoạt qua OMO, giúp các TCTD cân đối nguồn vốn, đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lo “bóng ma” về mất thanh khoản.

theo tapchitaichinh