Doanh nghiệp chế biến gỗ loay hoay tại sân nhà
Chưa hội nhập tại sân nhà
Vừa qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên sức mua trên thị trường chế biến đồ gỗ đã giảm hẳn. Cụ thể, thị trường thế giới giảm 30% nhu cầu sản phẩm chế biến đồ gỗ, còn tại thị trường nội địa ngành gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi hàng gỗ nhập khẩu. Hơn nữa, kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, sự dịch chuyển gia công ngành đồ gỗ nội thất tăng lên tại Việt Nam khi giá nhân công của Trung Quốc liên tục tăng cao, nguồn cung từ nhập khẩu ngành nội thất về Việt Nam giảm hẳn, lúc này một số nhà chế biến xuất khẩu đang muốn xây dựng nền tảng trên sân nhà và xây dựng thương hiệu DN tại nội địa. Tuy nhiên, để tiếp cận được người tiêu dùng và hệ thống phân phối không phải là điều dễ dàng đối với những DN chỉ chuyên sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Cá biệt có một số DN thành công với mô hình sản xuất – xuất khẩu – bán lẻ như Nhà Xinh. Nhưng câu chuyện đó hoàn toàn hy hữu mà không thể áp dụng cho toàn bộ DN. Hơn nữa AA – Nhà Xinh chỉ tập trung cho phân khúc cao cấp. Đại diện một DN chế biến đồ gỗ khẳng định: "Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, DN đổ xô về sân nhà nhưng khi về sân nhà, DN cũng phải "trầy da, tróc vẩy” tìm kiếm khách hàng. Càng khó khăn hơn khi sức mua của thị trường trong nước cũng giảm trầm trọng”.
Lý giải nguyên nhân chậm hội nhập tại thị trường nội địa của các DN ngành chế biến đồ gỗ, ông Võ Trường Thành - Tổng Giám đốc Tập đoàn gỗ Trường thành cho rằng, trước tình hình đó, một số DN đã lui về để "chiến đấu” ở thị trường nội địa. Nhưng không ít DN gỗ vẫn đang phải loay hoay tại sân nhà do chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp với thị hiếu thị trường, do gu nhận thức thẩm mỹ của người tiêu dùng được nâng cao hơn, DN chưa có hệ thống phân phối và giá bán hợp lý…Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự yếu thế của sản phẩm chế biến gỗ nội địa, Cục Chế biến Thương mại nông lâm sản và Nghề muối từng nhận định, DN nước ngoài đều có đầu tư bài bản, chú trọng chất lượng và có tính dài hơi. Các khâu trong chuỗi sản xuất đều được tự động hóa từ đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng – Điều đó đã giúp họ hạ được giá thành, hoàn thiện tốt về chất lượng. Trong khi đó, không ít DN trong nước vẫn chưa đạt đến trình độ này, còn nặng tính ăn xổi, gia công tạm bợ.
Cố gắng giữ sân nhà
Hiện cả nước có trên 3.000 DN chế biến gỗ thuộc các loại hình sở hữu khác nhau, trong đó có 95% thuộc sở hữu tư nhân còn lại là thuộc nhà nước. Nhưng nhìn chung các DN chế biến gỗ đều là các DN có quy mô nhỏ cả về số lượng lao động cũng như nguồn vốn đầu tư. Cho nên, sau khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp DN gỗ vẫn phải loay hoay với thị trường nội địa. Cục Chế biến Thương mại nông lâm sản và Nghề muối cho biết, nếu tính trên mức độ sử dụng lao động thì có đến 46% tổng số DN chế biến gỗ có quy mô siêu nhỏ; 49% quy mô nhỏ; 1,7% quy mô vừa; 2,5% quy mô lớn. Còn nếu xét về vốn đầu tư, có đến 93% số DN chế biến gỗ ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều DN, cơ sở trong nước, đặc biệt ở những khu vực làng nghề, người lao động hầu như không được đào tạo cơ bản mà chủ yếu làm việc thủ công... Chính điều này đã góp phần làm cho các sản phẩm cao cấp trong nước khó khăn trong cạnh tranh về giá, chất lượng...
Hiệp hội chế biến gỗ tại Bình Dương (Bifa) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho rằng, thành lập một trung tâm cung ứng cho ngành nội ngoại thất càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một trung tâm cung ứng với tập hợp các nhà sản xuất có uy tín, có năng lực thiết kế tốt, chất lượng ổn định và với giá bán cạnh tranh sẽ chiếm được trái tim người tiêu dùng trong nước. Đó cũng là thể hiện quyết tâm giữ lấy sân nhà của các DN trong ngành ứng phó trước những tập đoàn bán lẻ quốc tế thâm nhập thị trường Việt Nam.
Sưu tầm